Vách tường than khóc

Tại sao vách tường này được gọi như vậy? 
Đây là vách phía Tây của đền thờ mà Vua Hê-rốt đã xây lại cách đẹp đẽ trong thời của Chúa Jesus và đã bị Đế quốc La- mã tàn phá năm thứ 70 S.C y như lời tiên tri mà Chúa Jesus đã báo trước trong Lu-ca 21:5-6.
       ''Có mấy người nói về Đền Thờ, về đá đẹp và đồ dâng làm rực rỡ trong đền thờ. Đức Chúa Jesus phán rằng: 6.Những ngày sẽ đến, mọi điều các ngươi ngó thấy đây, sẽ không còn một hòn đá nào chồng lên hòn khác mà không đổ xuống.''
        Tuy vậy, Chúa cho phép 1 bức tường của đền thờ còn tồn tại cho tới ngày nay để làm bằng chứng cho lời tiên tri của Ngài. Từ năm 70 S.C, dân Do Thái đã bị bắt và rải khắp thế giới, họ sống trong tủi nhục hơn 1,900 năm. Ở nơi xứ lạ quê người, họ luôn mong ước được trở về quê hương, là nơi họ có thể ''đến gần'' Đức Chúa Trời để cầu nguyện. Vì họ không tin Chúa Jesus, nên họ không có nơi nào khác để cầu nguyện.
        Năm 1967, trong ''Trận chiến 6 ngày'', họ đã chiếm lại được thành Giê-ru-sa-lem từ lâu do người Jordanian kiểm soát. Khi quân lính Do Thái đến được vách tường này, họ đứng bên vách mà khóc sướt mướt trong sự vui mừng khôn tả! Từ đó, người ta gọi vách phía Tây của đền thờ này là ''Bức Tường Than Khóc'', ''The Wailing Wall''.
        Mỗi ngày đều có hàng nghìn người đến đứng nơi vách tường này để cầu nguyện, và có người cũng vừa cầu nguyện vừa than khóc. Vách tường này đã trở thành một đền thờ ngoài trời của người Do Thái. Họ đến đó không phải chỉ để cầu nguyện, nhưng cũng để nhảy múa, ca ngợi Đức Chúa Trời, đọc Kinh Torah, và tổ chức đủ loại nghi lễ. Họ cho rằng đó là nơi gần nhất mà họ có thể đến với Đức Chúa Trời. Phần vách ngoài trời đó chỉ là nơi gần hành lang, người ta còn chui vào một đường hầm dẫn đến bên dưới ngôi đền thờ với nóc có bọc vàng mà người hồi giáo đã xây ở trên, ngay địa điểm của nơi Chí Thánh của đền thờ mà Sa-lô-môn và Hê-rốt đã xây, nơi đó người ta cảm thấy càng được gần Chúa hơn nữa!
        Ngày 26 tháng Giêng và mồng 03 tháng 02 năm 2017, chúng tôi được cơ hội 2 lần đến gần vách tường này và rất thương xót họ khi thấy nhiều thầy Ra-bi và người Do Thái đứng đó đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với một hi vọng yếu ớt rằng lời cầu nguyện của họ may ra sẽ được đến tận Ngôi của Đức Chúa Trời vì họ đang đứng ở một địa điểm mà đối với họ rất là thánh.
        Tôi cũng nhân cơ hội này để cầu nguyện, không phải nhờ cậy vách tường để lời cầu nguyện của mình đến với Đức Chúa Trời như người Do Thái tin tưởng, nhưng nhờ Đấng Trung Bảo của chúng ta là Cứu Chúa Jesus. Nhơn Danh Ngài, tôi cầu thay cho người Do Thái sớm biết Chúa Cứu thế là Đấng mà họ đã khước từ suốt 2,000 năm qua. Tôi cầu nguyện cho chức vụ của tôi và mọi người trong gia đình. Tôi cũng kêu cầu Chúa thương xót sớm cứu nhiều người Việt Nam chưa biết Ngài, cũng xin Ngài giúp cho mọi tôi con Chúa biết ăn năn tội lỗi để Ngài sớm phục hưng Hội Thánh Ngài tại quê hương yêu dấu của tôi. Thật là một cơ hội rất đặc biệt và đầy cảm xúc khi được cầu nguyện tại vách tường than khóc đó! Tạ ơn Chúa cho có đặc ân này.
        Người Do Thái không tin Chúa Jesus nên họ cần đến bất cứ phương tiện nào mà họ nghĩ là ''Thánh'', xem đó như những nhịp cầu để kết nối với Đức Chúa Trời, và tin rằng những thứ đó không khác nào những cây Ăng-ten giúp cho lời cầu nguyện của họ đạt đến tận Thên Đàng. Chẳng những họ dùng vách tường này, mà còn đến gần những ngôi mộ của những thầy Ra-bi danh tiếng để cầu nguyện!
        Nhưng, đối với con cái Chúa, thì vách tường này không khác gì ngôi mộ trống, hay hòn đá ở vườn Ghết-sê-ma-nê. Nhiều Cơ đốc nhân đến những nơi đó để cầu nguyện không phải vì họ nghĩ rằng những vật đó linh thiêng, hay cảm thấy được gần với Chúa, vì họ đã có Chúa ở với mình. Họ cầu nguyện vì những di tích lịch sử này không giống như những di tích khác trên thế giới, nhưng vô cùng đặc biệt vì đã khiến cho lòng họ tràn đầy cảm xúc và giúp họ ý thức rằng niềm tin của mình được đặc trên những sự kiện lịch sử có thật. Vì vậy, họ không thể không nói lên lời tạ ơn Chúa và cầu thay cho những người còn đi trong bóng tối của nghi ngờ, nhất là dân tộc Do Thái và dân tộc của mình.
                                                                                                                          Mục sư Nguyễn Duy Tân